Âm nhạc có lẽ không thể thiếu trong cuộc sống, bởi vì nó đem lại những giai điệu cũng như màu sắc thú vị giúp cho cuộc sống thêm sinh động hơn. Không những thế âm nhạc còn có vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất. Vậy chúng ta nên dùng âm nhạc xoa dịu tâm trí mệt mỏi như thế nào để mang đến hiệu quả?
Vai trò của âm nhạc với đời sống tinh thần
Âm nhạc được chứng minh có tác dụng mạnh mẽ với não bộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, âm nhạc không chỉ giúp ích trong nhiều khía cạnh của đời sống tinh thần mà còn giúp cải thiện tình trạng sức khoẻ như giảm đau, giảm tình trạng căng thẳng, tăng cường trí nhớ… Các nhà khoa học cũng đã tìm ra sức mạnh của âm nhạc trong quá trình hoạt động và kích thích não bộ con người.
Vai trò của âm nhạc trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất:
- Âm nhạc giúp giảm stress và ngăn ngừa các dấu hiệu của bệnh lý tâm thần kinh như trầm cảm, lo âu. Tình trạng căng thẳng kéo dài sẽ dẫn tới nguyên nhân gây trầm ở khá nhiều người trong xã hội hiện nay. Trong trị liệu bệnh lý tâm thần hiện nay liệu pháp âm nhạc được đánh giá có hiệu quả khá tích cực. Âm nhạc có thể giúp bệnh nhân hạn chế được các hành vi tiêu cực, bốc đồng có thể gây hại đến chính bản thân người bệnh hoặc những người xung quanh. Liệu pháp âm nhạc còn được áp dụng ở nhiều bệnh viện lớn để trị liệu tâm lý cho người bệnh gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần nhằm hạn chế sử dụng thuốc và giảm thiểu các tác dụng phụ bất lợi.Âm nhạc giúp cải thiện trí nhớ và các bệnh
- lý liên quan. Trong một vài nghiên cứu đã chỉ ra việc âm nhạc không những giúp giảm stress tinh thần mà còn giúp tăng cường trí nhớ cho người bệnh. Từ đó, giúp tập trung vào việc ghi nhớ kiến thức hoặc thông tin, học tập và thực hiện công việc hàng ngày hiệu quả hơn. Âm nhạc cũng giúp cho những người bệnh Alzheimer cải thiện đáng kể về những ký ức cũ. Khi người bệnh nghe các bản nhạc cũ gắn liền với kỷ niệm, họ có thể nhớ lại đặc điểm và sự kiện ở thời điểm đó.
- Âm nhạc giúp tăng cường và cải thiện trí thông minh. Áp dụng âm nhạc đúng cách giúp cho cơ thể linh hoạt. Đây chính là lý do được các bà bầu khi mang thai lựa chọn âm nhạc để giúp trẻ tiếp cận và kích thích não bộ sớm. Các kết quả nghiên cứu cũng chứng minh có tới 90% trẻ trong độ tuổi từ 4 đến 6 tuổi được tiếp xúc sớm với âm nhạc sẽ có khả năng học ngôn ngữ tốt hơn. Những trẻ từ 6 tuổi trở lên được tiếp cận với âm nhạc thông qua các bài học đàn, bài hát giúp tăng chỉ số IQ cao đáng kể.
- Trong đời sống, âm nhạc còn giúp gắn kết các mối quan hệ xã hội. Ngoài lợi ích âm nhạc xoa dịu tâm hồn, thì âm nhạc còn là sợi dây để gắn kết các mối quan hệ, rút ngắn khoảng cách giữa mọi người, lúc này không có sự phân biệt về tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh. Tất cả mọi người có thể hòa chung vào điệu nhạc và gắn kết cùng nhau.
- Ngoài ra, âm nhạc còn giúp giảm đau hiệu quả. Khi thực hiện phẫu thuật tiết niệu được áp dụng nghe nhạc cho thấy nhu cầu sử dụng thuốc an thần để giảm đau giảm đáng kể. Bên cạnh đó, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng âm nhạc chính là liều thuốc xoa dịu nỗi đau hiệu quả hơn cả phương pháp điều trị y tế trên các bệnh nhân ung thư.
- Nghe nhạc thư giãn giảm mệt mỏi, căng thẳng giúp cơ thể đi vào giấc ngủ dễ dàng và chất lượng giấc ngủ cũng sẽ tốt hơn.
- Âm nhạc còn giúp kiểm soát cân nặng khá tốt. Các thử nghiệm nhận định rằng khi con người có xu hướng thoải mái trong tư tưởng và tâm trí thì lượng calo sẽ tiêu thụ ít hơn so với bình thường. Thêm vào đó, nghe nhạc giúp kích thích cơ thể vận động và giải phóng đi lượng calo đáng kể.
Cách sử dụng âm nhạc xoa dịu tâm trí mệt mỏi
Âm nhạc thực sự như một liều thuốc thần kỳ giúp xoa dịu tâm trí mệt mỏi. Tuy nhiên, sử dụng âm nhạc như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất?
- Lựa chọn giai điệu phù hợp. Nếu đang cảm thấy chán trường, và muốn giảm stress thì bạn có thể lựa chọn bản nhạc có giai điệu vui tươi, nhịp điệu nhanh để giúp vực dậy tinh thần, đồng thời tăng thêm động lực. Hoặc nếu tâm trí mệt mỏi và muốn được nghỉ ngơi thì bạn có thể lựa chọn bản nhạc có giai điệu êm đềm, dễ chịu giúp cơ thể chìm vào giấc ngủ nhanh.
- Chú ý tới sóng âm của từng loại nhạc. Bởi thông số này sẽ tác động đến tần số não cũng như tác động chính xác đến dây thần kinh, giúp xoa dịu trạng thái đau đầu một cách nhanh chóng. Một số sóng nhạc phổ biến hiện nay được lựa chọn như sóng não alpha có tần số 8 đến 12Hz thường sử dụng cho những người rơi vào trạng thái căng thẳng, giúp giảm bớt stress, đau đầu. Sóng beta với tần số từ 12 đến 40Hz được sử dụng giúp trí não có khả năng tập trung cao độ. Sóng delta có tần số từ 0 đến 4Hz sử dụng cho những đối tượng bị mất ngủ, giúp tinh thần được thả lỏng, xoa dịu thần kinh, đưa cơ thể dễ dàng đi vào giấc ngủ. Sóng theta có tần số từ 4 đến 8 Hz giúp não bộ tỉnh táo, đầu óc sáng suốt.
- Vừa nghe nhạc vừa chuyển động cơ thể theo giai đại sẽ không chỉ tốt cho tinh thần mà còn giúp cho cơ thể được tiếp thêm năng lượng.
- Một số bản nhạc đã được chứng minh có thể giúp xoa dịu tâm trí mệt mỏi hiệu quả như Pure Shores của All Saints, someone like you của Adele…
- Kết hợp âm nhạc với luyện tập thể thao là cách thức vô cùng hiệu quả để loại bỏ mệt mỏi khi luyện tập. Bạn có thể vừa nghe nhạc vừa thực hiện các bài tập như chạy bộ, tập gym, yoga…Ngoài ra, âm nhạc còn giúp cho cơ thể gia tăng động lực hăng say làm việc hơn.
Một số lưu ý khi sử dụng âm nhạc xoa dịu tâm trí mệt mỏi
- Thời điểm nghe nhạc. Âm nhạc thực sự là người bạn động hành trong cuộc sống, thế giới không có âm nhạc một ngày có lẽ sẽ vô cùng nhàm chán. Vì vậy, ở bất kỳ thời điểm nào cần và muốn thì bạn đều có thể nghe nhạc nhằm kích thích tinh thần sảng khoái và phấn chấn hơn. Chẳng hạn có thể nghe vào buổi sáng kết hợp với chạy bộ giúp cho tâm trí tràn đầy năng lượng để bắt đầu một ngày mới. Hoặc có thể lựa chọn một bản nhạc có lời và hát theo khi đang tắm sẽ giúp cho tinh thần vui vẻ và lạc quan hơn. Trong giờ làm việc có thể lựa chọn bản nhạc thư giãn, thoải mái để tăng sự tập trung cao độ. Khi đi ngủ có thể lựa chọn bản nhạc du dương nhẹ nhàng giúp cơ thể nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Tuy nhiên bạn không nên nghe nhạc quá khuya hoặc để các thiết bị nhạc tiếp xúc gần não bộ khi đi ngủ. Những bước sóng phát ra từ thiết bị này có thể không tốt cho não bộ và giảm chất lượng giấc ngủ.
- Mặc dù âm nhạc giúp tâm trí được xoa dịu, giảm bớt mệt mỏi và căng thẳng nhưng bạn không nên lạm dụng âm nhạc quá mức. Đặc biệt không nên nghe nhạc bằng tai nghe quá nhiều, bởi điều này có thể ảnh hưởng đến chức năng thính giác của cơ thể.
- Liệu pháp âm nhạc có thể giúp giảm stress trong thời gian ngắn và ở mức độ tạm thời, đặc biệt ở những trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm… Tuy nhiên, bạn cần chú ý không lệ thuộc vào liệu pháp này nếu người bệnh có dấu hiệu không thuyên giảm. Lúc này bạn cần được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa để giúp cải thiện tinh thần tốt hơn.
Âm nhạc có vai trò nhất định trong cuộc sống và với mỗi đối tượng. Âm nhạc xoa dịu tâm trí mệt mỏi và cải thiện tình trạng tinh thần, bệnh lý khá hiệu quả. Tuy nhiên, bạn cần tìm hiểu và lựa chọn âm nhạc phù hợp để cải thiện vấn đề của mỗi người. Tình trạng bệnh lý không cải thiện thì không nên lạm dụng âm nhạc mà cần tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa và cải thiện kịp thời.
Tài liệu tham khảo: sleepfoundation.org, unr.edu. .pfizer.com.au
Bài viết của: Vũ Thị Quỳnh Chi