Axit dạ dày đóng vai trò quan trọng trong quá trình phân hủy và tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên khi mức axit trong dạ dày ở mức thích hợp có thể hỗ trợ tiêu hóa, nhưng nếu mức axit dạ dày tăng quá cao có thể gây hại cho sức khỏe. Vậy các dấu hiệu tăng axit dạ dày cần biết là gì?
1. Nguyên nhân gây ra các dấu hiệu tăng axit dạ dày
Một số tình trạng bệnh lý có thể gây ra những biểu hiện tăng axit dạ dày bao gồm:
- Hội chứng Zollinger-Ellison (ZES): Có một hoặc nhiều khối u ở tuyến tụy hoặc tá tràng – phần đầu tiên của ruột non các khối u này sẽ khiến cơ thể sản xuất ra nhiều gastrin – hormone kích thích sản xuất axit dạ dày. ZES gây ra các dấu hiệu tăng axit dạ dày tương tự như bệnh loét dạ dày tá tràng nặng, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và tiêu chảy mãn tính.
- Nhiễm trùng Helicobacter pylori (H. pylori): H. pylori là một loại vi khuẩn có thể lây nhiễm trong dạ dày. Những người bị H. pylori thường không có triệu chứng cho đến khi họ phát hiện biến chứng như loét và viêm dạ dày. Mặc dù H. pylori thường làm giảm tạm thời nồng độ axit trong dạ dày, nhưng những người bị loét tá tràng do H. pylori có thể có nồng độ axit trong dạ dày cao hơn với các biểu hiện của tăng axit dạ dày.
- Tăng tiết axit hồi phục: Thuốc ức chế bơm proton (PPI) là thuốc kìm nén sản xuất axit dạ dày. Nếu một người dùng PPI trong một vài tuần và sau đó dừng lại, người đó có thể phát triển các biểu hiện của tăng axit dạ dày. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu tác dụng này, họ gọi đây là triệu chứng hồi phục.
2. Biểu hiện của tăng axit dạ dày như thế nào?
Những biểu hiện của tăng axit dạ dày phổ biến nhất:
2.1. Ợ nóng
Sự mất cân bằng trong quá trình sản xuất axit dạ dày hoặc tiết axit quá mức có thể dẫn đến nhiều triệu chứng khác nhau. Một trong những dấu hiệu tăng axit dạ dày phổ biến nhất là chứng ợ nóng. Đây là cảm giác nóng rát bắt đầu từ ngực và di chuyển lên cổ họng do trào ngược axit ở thực quản gây ra.
2.2. Buồn nôn
Bạn có thường xuyên cảm thấy buồn nôn ngay sau khi ăn không? Đây là dấu hiệu tăng axit dạ dày phổ biến và mức độ buồn nôn do axit dạ dày cao có thể từ nhẹ đến nặng.
2.3. Đầy hơi
Nếu thường xuyên cảm thấy đầy hơi hoặc khó chịu sau khi ăn, bạn có thể bị axit dạ dày cao. Đầy hơi là một biểu hiện của tăng axit dạ dày khác và điều này có thể dẫn đến cảm giác no và khó chịu sau khi ăn.
2.4. Các biểu hiện của tăng axit dạ dày khác
Ngoài các biểu hiện tăng axit dạ dày kể trên, axit dạ dày tăng cao cũng có thể gây nôn, khó tiêu hóa thức ăn và đau bụng, hoặc có thể dẫn đến những thay đổi về cảm giác thèm ăn, chẳng hạn như giảm cảm giác thèm ăn hoặc tăng cảm giác thèm ăn.
3. Biến chứng của dư thừa axit dạ dày
Quá nhiều axit trong dạ dày có thể lấn át prostaglandin (hóa chất tương tự hormone ảnh hưởng đến cơn đau và tình trạng viêm) trong dạ dày và tá tràng. Hormone này giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, nhưng nếu chúng bị lấn át, nó có thể gây loét cũng như một loạt các triệu chứng khác. Lượng axit dạ dày quá nhiều gây ra ba tình trạng sau:
- Loét dạ dày tá tràng: Vết loét do axit ăn mòn niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Là tình trạng bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng axit dạ dày trào ngược vào thực quản.
- Chảy máu đường tiêu hóa (GI): Chảy máu đường tiêu hóa có thể xảy ra khi axit phá vỡ lớp niêm mạc đường tiêu hóa và làm tổn thương các mạch máu bên dưới. Các tổn thương do axit gây ra thường xảy ra ở thực quản, dạ dày và các phần gần của ruột non. Loét dạ dày tá tràng cũng có thể là nguyên nhân gây chảy máu.
4. Cách điều trị tình trạng axit dạ dày cao
Có một số loại thuốc hỗ trợ giảm sản xuất axit trong dạ dày, giúp giảm các dấu hiệu tăng axit dạ dày bao gồm:
- Thuốc chẹn histamin 2 (thuốc chẹn H2): Những loại thuốc này chặn các thụ thể histamin, ngăn việc sản xuất axit dạ dày dọc theo niêm mạc dạ dày. Chúng có tác dụng nhanh, thường trong vòng 15-30 phút và tác dụng có thể kéo dài trong khoảng 12 giờ. Ví dụ là Axid AR (nizatidine), Pepcid Complete hoặc Pepcid AC (famotidine), Tagamet (cimetidine) và Zantac 360 (famotidine).
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Đây là một loại thuốc giảm axit mạnh, tác dụng của chúng kéo dài hơn thuốc ức chế H2 và tạo ra sự giảm đau trong vòng 24 giờ, tác dụng này sẽ tăng lên khi sử dụng thuốc trong nhiều ngày liên tiếp. Một số PPI thường gặp là: Dexlansoprazole, Esomeprazole, Lansoprazole, Omeprazole, Pantoprazole, Rrabeprazole.
Nguồn: verywellhealth.com – healthshots.com
Bài viết của: Đỗ Mai Thảo