Hội chứng mệt mỏi mãn tính thường rất khó chẩn đoán, vì triệu chứng khá giống với một số bệnh lý khác. Khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ sẽ cố gắng loại trừ ra những nguyên nhân khác và chẩn đoán mức độ nặng nhẹ của hội chứng mệt mỏi mãn tính. Vậy cách điều trị bệnh mệt mỏi mãn tính như thế nào?
1. Mệt mỏi mãn tính khi nào phải bắt buộc điều trị?
Hội chứng mệt mỏi mãn tính được đặc trưng bởi tình trạng mệt mỏi suy nhược không thuyên giảm khi nghỉ ngơi và có liên quan đến các triệu chứng thực thể. Tiêu chí của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đối với hội chứng mệt mỏi mãn tính, bao gồm mệt mỏi trầm trọng kéo dài hơn 6 tháng, có ít nhất 4 trong số các triệu chứng thể chất sau:
- Khó chịu sau khi gắng sức;
- Giấc ngủ không sảng khoái;
- Suy giảm trí nhớ hoặc sự tập trung;
- Đau cơ;
- Đau đa khớp;
- Đau họng;
- Hạch bạch huyết mềm;
- Có những cơn đau đầu mới xuất hiện.
Không có cách điều trị mệt mỏi mãn tính duy nhất nào phù hợp với tất cả mọi người, nhưng có một số nguyên tắc chung trong điều trị. Theo Viện Y tế và Chất lượng Điều trị Quốc gia Anh (NICE) cho biết, mỗi bệnh nhân nên được cung cấp một kế hoạch điều trị phù hợp với các triệu chứng của từng cá thể.
Ngay từ khi được chẩn đoán xác định hội chứng mệt mỏi mãn tính, bệnh nhân cần tham vấn ý kiến chuyên gia y tế để bắt đầu từng bước của quá trình điều trị hội chứng mệt mỏi mãn tính ngay từ giai đoạn đầu.
2. Cách nào điều trị mệt mỏi mãn tính?
Các bác sĩ sẽ tập trung ban đầu vào việc quản lý các triệu chứng thường đi kèm với hội chứng mệt mỏi mãn tính, bao gồm rối loạn giấc ngủ, trầm cảm và đau đớn. Bất kỳ bệnh đi kèm nào được xác định đều phải được điều trị. Bệnh nhân được khuyến khích nghỉ ngơi khi cần thiết và thực hành các kỹ thuật thư giãn.
Hiện nay đã có bằng chứng rõ ràng về 2 phương pháp điều trị hội chứng mệt mỏi mãn tính là: liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) và liệu pháp tập thể dục theo mức độ. Có ít bằng chứng rõ ràng hơn về lợi ích của điều trị bằng thuốc đối với hội chứng mệt mỏi mãn tính ở những bệnh nhân không có bệnh trầm cảm hoặc rối loạn lo âu đi kèm.
2.1. Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT)
Các nhà trị liệu tâm lý nhấn mạnh vai trò của suy nghĩ và tác động đối với cách mọi người cảm nhận và hành động. Họ có thể giúp những người mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính nhận ra nỗi sợ hãi của họ dẫn đến những hành vi khiến họ cảm thấy mệt mỏi hơn.
Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng lớn ở người lớn mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính đã xác nhận rằng CBT có tác động tích cực đến mức độ mệt mỏi, giúp điều chỉnh công việc và xã hội, cải thiện trầm cảm, lo lắng và khó chịu sau khi gắng sức. Hầu hết bệnh nhân trong nghiên cứu này đều tự đánh giá mình tốt hơn “nhiều” hoặc “rất nhiều” sau khi hoàn thành.
2.2. Liệu pháp tập thể dục theo mức độ
Liệu pháp tập thể dục theo mức độ liên quan đến việc tăng dần hoạt động thể chất với hy vọng tăng cường chức năng của cơ thể. Một thử nghiệm ngẫu nhiên cho thấy liệu pháp tập thể dục theo mức độ có hiệu quả tương đương với CBT đối với tình trạng mệt mỏi và các khía cạnh khác của suy giảm chức năng, ngoại trừ trầm cảm.
Những người tham gia thử nghiệm này được khuyến khích tăng dần thời gian hoạt động thể chất của họ trong 52 tuần tới mục tiêu cuối cùng là 30 phút tập thể dục nhẹ trong 5 ngày mỗi tuần, thận trọng không vượt quá nhịp tim mục tiêu để tránh gắng sức quá mức.
Hầu hết bệnh nhân chọn đi bộ để tập thể dục. Sau khi đạt được mục tiêu này, bệnh nhân sẽ làm việc với các nhà vật lý trị liệu hàng tháng để tăng cường độ tập thể dục nhịp điệu của họ.
Những trở ngại đối với liệu pháp tập thể dục theo mức độ, bao gồm cân nhắc về thời gian và mối lo ngại của bệnh nhân rằng tập thể dục sẽ làm tình trạng của họ trầm trọng hơn.
2.3. Các phương pháp điều trị không dùng thuốc khác
Một số phương pháp điều trị bằng thuốc cho hội chứng mệt mỏi mãn tính đã có kết quả đáng thất vọng trong các thử nghiệm lâm sàng, với tác dụng yếu hoặc không có bằng chứng nào về lợi ích. Không có bằng chứng ủng hộ việc sử dụng thuốc kháng vi-rút, hydrocortisone hoặc fludrocortisone cho thấy hiệu quả với tình trạng này. Các phương pháp điều trị khác không cải thiện triệu chứng hội chứng mệt mỏi mãn tính trong các thử nghiệm lâm sàng, bao gồm methylphenidate, melatonin, citalopram và galantamine.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng một biện pháp phục hồi chức năng do các y tá hướng dẫn sẽ giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi ở những người mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính, tuy nhiên sự cải thiện không kéo dài sau 70 tuần. Sự can thiệp này bao gồm giáo dục về hội chứng mệt mỏi mãn tính, sau đó là kế hoạch điều trị tăng dần hoạt động.
Một nghiên cứu cho thấy một số cải thiện lâm sàng sau khi điều trị bằng giải độc tố tụ cầu. Các tác giả đưa ra giả thuyết rằng phương pháp điều trị đã kích thích hệ thống miễn dịch kém hoạt động của những người mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính và sau đó cải thiện tình trạng mệt mỏi của họ. Tuy nhiên, việc điều trị cần phải được tiếp tục để ngăn ngừa tái phát các triệu chứng. Giải độc tố Staphylococcus không được phổ biến rộng rãi và hiện không thể được khuyến cáo là phương pháp điều trị hội chứng mệt mỏi mãn tính.
3. Làm sao để gia tăng hiệu quả điều trị mệt mỏi mãn tính?
3.1. Chế độ ăn uống và bổ sung
Điều quan trọng là người bệnh phải thường xuyên và có chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Nếu người bệnh cảm thấy buồn nôn, hãy ăn thực phẩm giàu tinh bột, ăn ít và nhấm nháp đồ uống từ từ có thể hữu ích.
Chế độ ăn kiêng loại trừ một số loại thực phẩm nhất định không được khuyến nghị cho những người mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính. Cũng không có đủ bằng chứng để khuyến nghị các chất bổ sung như vitamin B12, vitamin C, magie hoặc co-enzym Q10 cho hiệu quả khả quan.
3.2. Ngủ, nghỉ ngơi và thư giãn
Các vấn đề về giấc ngủ khiến các triệu chứng hội chứng mệt mỏi mãn tính trở nên tồi tệ hơn. Người bệnh nên được tư vấn về cách thiết lập thói quen ngủ bình thường. Ngủ quá nhiều thường không cải thiện được các triệu chứng của hội chứng mệt mỏi mãn tính và ngủ vào ban ngày có thể khiến bệnh nhân mất ngủ vào ban đêm.
Tóm lại, không có cách điều trị mệt mỏi mãn tính duy nhất nào phù hợp với tất cả mọi người, để biết mình phù hợp với phương pháp điều trị nào, tốt nhất bệnh nhân cần đến khám trực tiếp chuyên gia y tế để được điều trị tối ưu nhất cho tình trạng của chính mình.
Nguồn: aafp.org – conditions
Bài viết của: Đỗ Mai Thảo