Mỡ nội tạng không chỉ gây ra sự mất cân bằng trong cơ thể mà còn có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2 và huyết áp cao. Do đó, việc hiểu rõ mức độ nguy hiểm của chỉ số mỡ nội tạng level 4 và các biện pháp cần thiết để kiểm soát nó là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe.
1. Mỡ nội tạng level 4 có cao không? Nó nguy hiểm như thế nào?
Mỡ nội tạng là một loại mỡ có thể được tìm thấy xung quanh các cơ quan quan trọng ở vùng bụng. Chính xác hơn, mỡ nội tạng bao quanh dạ dày, gan, ruột và các cơ quan khác. Quá nhiều mỡ nội tạng có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như viêm, huyết áp cao. Một vấn đề khác với mỡ nội tạng là tác động của nó lên adiponectin hay ‘hormone chất béo’. Chức năng của adiponectin là điều chỉnh lượng mỡ trong cơ thể. Mỡ nội tạng ức chế adiponectin, cuối cùng khiến cơ thể sản xuất nhiều mỡ hơn mức bạn thực sự cần. Lượng mỡ nội tạng cao cũng ảnh hưởng đến độ nhạy insulin. Điều đó có nghĩa là nó có thể dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2 sau này.
Vậy mỡ nội tạng mức 4 là ở mức nào? Nó nguy hiểm như thế nào? Mức mỡ nội tạng trong cơ thể được đo bằng chỉ số mỡ nội tạng, có giá trị từ 0 (thấp nhất) đến 20 (cao nhất).
- Chỉ số mỡ nội tạng từ 0 đến 5 cho biết bạn có mức mỡ nội tạng bình thường. Tiếp tục theo dõi điểm số của bạn theo thời gian để đảm bảo nó nằm trong phạm vi bình thường. Hoạt động thường xuyên có thể giúp giảm mức mỡ nội tạng của bạn. Như vậy, nếu bạn có kết quả mỡ nội tạng 4 thì nó nằm trong giới hạn bình thường.
- Chỉ số mỡ nội tạng từ 5,1 đến 20: Điều này cho thấy bạn có lượng mỡ nội tạng cao. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thường xuyên có thể giúp giảm mức mỡ nội tạng.
2. Phải làm gì khi chỉ số mỡ nội tạng level 4?
Khi chỉ số mỡ nội tạng mức 4, điều này cho thấy bạn có mức mỡ nội tạng lành mạnh. Tuy nhiên, bạn vẫn nên duy trì lối sống lành mạnh để duy trì mức mỡ nội tạng khỏe mạnh. Những thay đổi trong lối sống mà bạn có thể thực hiện bao gồm:
- Tập thể dục: Các khuyến cáo về tập luyện đều khuyến khích mọi người nên dành ra nhất 30 phút tập thể dục mỗi ngày. Có thể bao gồm bài tập tim mạch hoặc sức mạnh. Một hình thực tập thể dục khác giúp giảm mỡ nội tạng là bài tập cường độ cao ngắt quãng (HIIT). Bài tập HIIT luân phiên giữa các đợt nỗ lực mạnh mẽ và phục hồi nhanh. HIIT cung cấp bài tập sức bền và aerobic, có thể giúp bạn đốt cháy chất béo nhanh hơn.
- Ăn chế độ ăn lành mạnh: Chế độ ăn lành mạnh bao gồm protein nạc, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo, trái cây và rau. Cố gắng hạn chế tối đa chất béo chuyển hóa, đường bổ sung, thực phẩm nhiều muối và thực phẩm chế biến. Chế độ ăn ít carb như chế độ ăn ketogenic (keto) có thể giúp giảm mỡ nội tạng bằng cách rèn luyện cơ thể đốt cháy chất béo làm nhiên liệu thay vì carb.
- Nhịn ăn gián đoạn: Nhịn ăn gián đoạn là một chiến lược giảm cân và giảm mỡ nội tạng, bao gồm việc trải qua các khoảng thời gian ăn và không ăn. Nó có thể giúp giảm mức mỡ nội tạng của bạn.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc là yếu tố quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể và cân nặng hợp lý. Vì vậy, việc duy trì một thói quen ngủ đủ giấc không chỉ giúp bạn cảm thấy tinh thần sảng khoái và cải thiện sức khỏe tổng thể, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát mỡ nội tạng và bảo vệ cơ thể khỏi những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
- Hạn chế uống rượu: Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng lượng mỡ nội tạng mà cơ thể bạn tích trữ. Hơn nữa, rượu có thể làm gián đoạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của cơ thể, làm suy giảm quá trình trao đổi chất và khả năng đốt cháy mỡ. Từ đó, cơ thể có xu hướng tích tụ mỡ nội tạng nhiều hơn.
Lượng mỡ nội tạng dư thừa không chỉ ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng. Vì vậy, việc chủ động điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường hoạt động thể chất, và theo dõi sức khỏe định kỳ là rất cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực của mỡ nội tạng. Đầu tư vào sức khỏe của bạn không chỉ giúp giảm mỡ nội tạng mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ các bệnh lý liên quan.
Bài viết của: Lê Thị Phương Thảo