Trong cuộc sống hiện đại với vô vàn áp lực, lo lắng đã trở thành một vấn nạn không nhỏ ảnh hưởng tới đời sống tinh thần của nhiều người. Tuy nhiên, khi lo lắng vượt quá giới hạn, không chỉ đơn thuần là một cảm xúc thoáng qua mà còn có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể. Vậy tác hại của việc lo lắng quá mức là gì?
1. Lo lắng quá mức là gì? Các biểu hiện nhận biết
Căng thẳng, lo lắng (Stress) là một phản ứng tự nhiên của con người trước những tình huống khó khăn, áp lực hoặc sự không chắc chắn. Tuy nhiên, khi lo lắng trở nên “vượt ngưỡng”, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần, gây ra nhiều rào cản trong cuộc sống.
Lo lắng quá mức thường biểu hiện qua các triệu chứng như:
- Triệu chứng tâm lý: Cảm giác bất an, sợ hãi, thường xuyên bồn chồn, khó tập trung, suy nghĩ tiêu cực, cáu gắt, khó đưa ra quyết định.
- Biểu hiện trên cơ thể: Tim đập nhanh, khô miệng, khó thở, đau đầu, chóng mặt, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, khó ngủ, mất ngủ, đổ mồ hôi, run rẩy, căng cơ.
- Thông qua các hành vi: Né tránh các tình huống gây lo lắng, kiểm tra mọi thứ quá kỹ lưỡng, cầu toàn quá mức.
Dựa trên các triệu chứng về tâm lý và phản ứng trên thân, các bác sĩ mới có thể đánh giá bạn có đang mắc các vấn đề về rối loạn lo âu hay không. Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể mắc phải tình trạng này, hãy chủ động trao đổi với bác sĩ hay chuyên gia tâm lý. Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau có thể giúp bạn giảm bớt sự khó chịu của tình trạng này.
2. Tác hại của lo lắng quá mức lên cơ thể
Khi tình trạng căng thẳng, lo lắng trở thành mãn tính, một lượng lớn cortisol sẽ được giải phóng bên trong cơ thể. Loại hormone căng thẳng này có thể ảnh hưởng đến chúng ta theo nhiều phương diện:
- Sức khỏe thể chất: Nồng độ cortisol cao có thể gây ra các triệu chứng căng thẳng về thể chất như đau đầu, khó chịu ở dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy, tim đập nhanh, mệt mỏi, mất ngủ, suy giảm ham muốn tình dục, khó thở, đau cơ, huyết áp cao. Hormone căng thẳng cao cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu và tăng chất béo trung tính gây ra các tình trạng mãn tính nghiêm trọng như tiểu đường và bệnh lý tim mạch.
- Sức khỏe tinh thần: Lo lắng kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hoảng sợ. Khi bị lo lắng quá mức trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và các mối quan hệ xã hội quanh bạn.
- Hiệu suất làm việc và học tập: Lo lắng quá mức khiến bạn khó tập trung, giảm khả năng tư duy sáng tạo, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và thành tích học tập.
- Chất lượng cuộc sống: Lo lắng quá mức khiến bạn luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, mất đi niềm vui và sự hứng thú với cuộc sống.
3. Làm sao để khắc phục khi bị lo lắng quá mức?
Mặc dù chúng ta không thể tránh khỏi mọi căng thẳng trong cuộc sống, nhưng có thể chủ động phòng ngừa ngay khi những dấu hiệu căng thẳng đầu tiên khởi lên. Khi quản lý stress bạn có thể đồng hành với sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý, nhưng cũng có nhiều việc bạn có thể tự thực hiện mỗi ngày. Chúng bao gồm:
3.1. Chủ động thay đổi và điều chỉnh lối sống
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế caffeine, đường, đồ ăn chế biến sẵn không tốt cho sức khỏe. Thay vào đó bạn nên tăng cường ăn rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cân đối và thiết lập khẩu phần ăn hợp lý…
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thường xuyên có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, giải phóng Endorphin giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và giúp bạn dễ ngủ hơn.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm giúp cơ thể phục hồi và giảm lo lắng.
- Hạn chế rượu bia và các chất kích thích: Các chất này có thể làm tăng lo lắng và gây ra các vấn đề sức khỏe khác.
3.2. Quản lý căng thẳng
Mỗi ngày bạn hãy dành chút thời gian để tự thưởng cho mình sự thư giãn và yên tĩnh, dù là thiền, âm nhạc êm dịu, sở thích mà bạn thích hay đi dạo trong thiên nhiên. Dưới đây là lợi ích của một số phương pháp quản lý căng thẳng:
- Thiền và yoga: Các bài tập thiền và yoga giúp bạn thư giãn, giảm căng thẳng và cải thiện khả năng tập trung.
- Hít thở sâu: Thực hành các bài tập hít thở sâu giúp giảm nhịp tim, huyết áp và làm dịu tâm trí. Nếu có thể hãy dành ít nhất 15 phút/ngày cho những giờ phút lắng đọng, hít sâu để thư giãn.
- Viết nhật ký: Hãy viết những suy nghĩ của bạn ra giấy hoặc 1 thiết bị nào đó. Điều này có thể giúp bạn suy nghĩ thấu đáo về những điều đang khiến bạn phiền lòng và cho bạn cơ hội nhìn nhận chúng dưới góc nhìn tổng thể và khách quan hơn.
3.3. Tìm kiếm và đón nhận sự hỗ trợ
Nghiên cứu chỉ ra rằng, những người có hôn nhân hạnh phúc hoặc có mạng lưới bạn bè chất lượng không chỉ có tuổi thọ cao hơn so với những người không hạnh phúc trong hôn nhân mà còn có ít nguy cơ mắc bệnh tật hơn. Điều này có nghĩa bạn bè và gia đình sẽ là một nền tảng hỗ trợ vững chắc giúp bạn vượt qua những thời điểm khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy khi gặp bị lo lắng quá mức, bạn hãy:
- Chia sẻ với người thân, bạn bè: Nói chuyện, tâm sự với người bạn tin tưởng có thể giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm và được thấu hiểu.
- Tham gia các nhóm hỗ trợ: Gặp gỡ những người có cùng trải nghiệm có thể giúp bạn học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm vượt qua sự lo âu.
- Tìm đến chuyên gia tâm lý: Nếu lo lắng quá mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bạn, hãy tìm đến chuyên gia tâm lý để được tư vấn và điều trị.
Lo lắng quá mức không phải là một dấu hiệu của sự yếu đuối, và bạn không cần phải đối mặt với nó một mình. Bằng cách áp dụng những phương pháp trên và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết, bạn có thể kiểm soát lo lắng và tận hưởng một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn.
Nguồn: health.harvard.edu – availhospitals.com – medicalnewstoday.com
Bài viết của: Hồ Thị Giáng My