Ngộ độc lithium xảy ra khi sử dụng lithium quá liều chỉ định, dao động từ 900 – 1200 mg mỗi ngày. Việc chủ động tìm hiểu nhiễm độc lithium là gì, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm khi nhiễm độc lithium và cách giải độc nhóm thuốc kể trên.
1. Nhiễm độc lithium là gì?
Lithium là thuốc bán theo đơn được chỉ định để điều trị rối loạn lưỡng cực, từ đó giảm nguy cơ tự tử ở những bệnh nhân mắc căn bệnh này. Liều lượng lithium thay đổi tùy đáp ứng của bệnh nhân, dao động từ 900 – 1200 mg chia thành nhiều lần uống trong ngày. Một số bệnh nhân rối loạn lưỡng cực cấp tính có thể dùng hơn 1200 mg lithium mỗi ngày. Trong khi đó, những bệnh nhân nhạy cảm với lithium có thể được chỉ định liều thấp hơn 900 mg.
Nồng độ lithium trong máu ở mức an toàn là 0,6 – 1,2 mEq/L. Nhiễm độc lithium xảy ra khi nồng độ lithium trong máu đạt 1,5 mEq/L hoặc cao hơn. Ở nồng độ 2,0 mEq/L, người bệnh có nguy cơ bị đe dọa tính mạng. Ở nồng độ từ 3,0 mEq/L trở lên, bệnh nhân phải được cấp cứu y tế khẩn cấp.
Về mặt dược động học, lithium là thuốc có ngưỡng trị liệu hẹp. Đối với những thuốc này, khoảng cách giữa liều điều trị và liều gây độc rất ngắn. Do đó, người bệnh sử dụng lithium phải được theo dõi cẩn thận cả về liều lượng và thời điểm dùng thuốc. Đôi khi người bệnh có thể vô tình dùng quá liều lithium do uống thêm một viên, dùng chung với các thuốc khác hoặc uống không đủ nước.
2. Nhiễm độc lithium nguy hiểm như thế nào?
Mức độ ngộ độc lithium phụ thuộc vào nồng độ lithium trong máu người bệnh. Mức độ ngộ độc khác nhau dẫn đến các triệu chứng khác nhau:
Nhiễm độc lithium | Triệu chứng |
Mức độ nhẹ – trung bình | Gây tiêu chảy, nôn mửa, đau dạ dày, mệt mỏi, sang chấn tâm lý, không kiểm soát hành vi, nhược cơ, buồn ngủ. |
Mức độ nặng (nồng độ lithium trong máu > 2,0 mEq/L) | Gây co giật, tăng động, kích động, nói lắp, suy thận, loạn nhịp tim, tăng thân nhiệt, chuyển động mắt không kiểm soát, hạ huyết áp, lú lẫn, hôn mê, mê sảng. Nguy hiểm hơn, nhiễm độc lithium nặng có thể dẫn đến tử vong. |
Thận và hệ thần kinh trung ương là hai cơ quan bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi người bệnh bị ngộ độc lithium. Trong ngộ độc cấp tính, hệ tiêu hóa cũng có thể bị ảnh hưởng. Ngộ độc lithium nghiêm trọng có thể khiến bệnh nhân gặp các biến chứng liên quan đến thần kinh và tim mạch. Đái tháo nhạt là trường hợp hiếm gặp đối với các ca bệnh ngộ độc lithium.
Sử dụng lithium liều thấp cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như đi tiểu thường xuyên, run tay chân, khát nước, đầy hơi, khô miệng, thay đổi cân nặng, táo bón, khó tiêu, phát ban, bồn chồn, nhược cơ,… Những tác dụng phụ này không có nghĩa là người bệnh bị ngộ độc lithium. Đây là dấu hiệu cần thiết để người bệnh điều chỉnh liều lithium cho phù hợp và theo dõi việc sử dụng thuốc thường xuyên hơn.
3. Giải độc lithium bằng cách nào?
Ngộ độc lithium có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có hai nguyên nhân chính như sau:
- Cơ thể bị mất nước: Do các bệnh lý về thận, bệnh nhân đang dùng thuốc lợi tiểu, nôn mửa.
- Dùng liều lithium cao hơn chỉ định: Cùng một lúc (độc tính cấp tính) hoặc từ từ trong thời gian dài (độc tính mạn tính). Ngoài ra còn có độc tính cấp tính trên mạn tính, xảy ra khi dùng quá liều lithium mỗi ngày trong thời gian dài, sau đó đột ngột uống thêm một viên thuốc vào một ngày nào đó một cách vô tình hoặc cố ý.
Nếu người bệnh đang dùng lithium và gặp bất kỳ triệu chứng ngộ độc lithium nào kể trên, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Không có thuốc giải độc đặc hiệu cho ngộ độc lithium. Bù nước được xem là phương pháp giải độc chính vì lithium không được chuyển hóa trong cơ thể và bài tiết dưới dạng không đổi. Ngoài ra, một số biện pháp giải độc lithium khác có thể được áp dụng như:
Trường hợp | Giải pháp |
Nhiễm độc lithium nhẹ | Ngưng sử dụng lithium và uống nước. |
Nhiễm độc lithium trung bình – nặng | Thụt – rửa dạ dày (thường áp dụng trong vòng 01 giờ sau khi dùng lithium), rửa ruột, dung dịch tiêm truyền, chạy thận nhân tạo, theo dõi sinh hiệu, thuốc chẹn beta có thể được chỉ định nếu bệnh nhân có triệu chứng co giật. |
Một số nhóm thuốc có thể ảnh hưởng đến quá trình thải độc lithium như thuốc ức chế ACEI (điều trị tăng huyết áp và suy tim), thuốc kháng viêm non-steroid (NSAIDS) nói chung và thuốc ức chế COX-2 nói riêng. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý giải độc tại nhà mà không có sự giám sát của bác sĩ.
Độc tính của lithium có thể để lại hậu quả lâu dài nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời. Ngộ độc lithium có thể được điều trị bằng cách bù nước và giảm liều dùng. Nếu bệnh nhân đã và đang sử dụng lithium, hãy luôn giữ liên lạc với bác sĩ điều trị và liên hệ với bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng hoặc lo ngại nào trong quá trình dùng thuốc.
Nguồn: webmd.com – healthline.com – medlineplus.gov – ncbi.nlm.nih.gov – my.clevelandclinic.org
Bài viết của: Hồ Thị Giáng My