Sức khỏe tinh thần là một trong các yếu tố mà mọi người cần quan tâm và chăm sóc để có cuộc sống hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể cân bằng các yếu tố trong cuộc sống và có được tinh thần sảng khoái. Nhận biết được các biểu hiện sức khỏe tinh thần đang sa sút và biết cách điều chỉnh sẽ giúp bạn cân bằng được cảm xúc và tránh các tình huống căng thẳng trong cuộc sống thường ngày.
1. Hiểu thế nào là sức khỏe tinh thần giảm sút?
Sức khỏe tinh thần đôi khi là một vấn đề không được quá nhiều người chú ý đến, tuy vậy, đây là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và cảm xúc của bạn. Thậm chí, các dấu hiệu của sức khỏe tinh thần không ổn định đôi khi cũng không được nhiều người quan tâm. Hiểu một cách đơn giản, sức khỏe tinh thần suy giảm là tình trạng một người chán nản, thiếu động lực trong cuộc sống hay không muốn làm bất cứ việc gì.
Bạn có thể sẽ trải qua một ngày tồi tệ khi không hoàn thành công việc của mình một cách đầy đủ và chính xác. Nhưng cảm giác tồi tệ đó cứ theo đuổi trong khoản thời gian dài và khiến cho bạn dần mất đi động lực để làm việc, thậm chí khiến tinh thần bị ảnh hưởng và sức khỏe tổng thể bị giảm sút.
Theo cách nhà khoa học, một người được đánh giá là có các biểu hiện sức khỏe tinh thần hay sức khỏe tinh thần giảm sút rất dễ có khả năng mắc các bệnh về rối loạn tâm thần. Rối loạn tâm thần, còn được gọi là bệnh lý tâm thần, bao gồm nhiều trạng thái khác nhau ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, tác động đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của con người. Một số ví dụ về rối loạn tâm thần là trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống và nghiện ngập.
Nhiều người đôi khi gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, những vấn đề này được coi là bệnh tâm thần khi các triệu chứng kéo dài và gây ra căng thẳng liên tục, ảnh hưởng đáng kể đến khả năng hoạt động hàng ngày của người bệnh, về lâu dài, người bệnh khó làm chủ được hành vi của mình và ảnh hưởng đến sức khỏe hay cuộc sống của những người xung quanh.
2. Các biểu hiện sức khỏe tinh thần giảm sút
Sức khỏe tinh thần đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, các yếu tố như môi trường sống, khả năng đối phó với căng thẳng hay áp lực từ công việc, các sang chấn tâm lý có thể ảnh hưởng. Một số biểu hiện sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng như sau.
2.1. Thường xuyên thấy lo lắng
Hầu hết mọi người đều trải qua những thời điểm lo lắng hoặc căng thẳng. Tuy nhiên, khi lo lắng trở nên liên tục và bắt đầu ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày, nó có thể là biểu hiện sức khỏe tinh thần đang bị ảnh hưởng theo hướng xấu đi.
Điều này có thể dẫn đến việc tránh né một số tình huống nhất định trong cuộc sống. Các triệu chứng thể chất của lo âu có thể bao gồm cảm giác hồi hộp, khó thở, tức ngực, đau đầu, đổ mồ hôi, run rẩy, chóng mặt, bồn chồn hoặc tiêu chảy.
2.2. Luôn có cảm giác chán nản bao quanh
Một trong các biểu hiện của sức khỏe tinh thần đi xuống đó chính là cảm giác chán nản thường. Bạn có thể dễ nhận thấy các biểu hiện này khi người thân, bạn bè của mình đang trải qua sự buồn bã, cáu kỉnh hoặc thiếu động lực và năng lượng khi làm việc gì đó.
Ở một số người có tâm lý nhạy cảm hoặc phái nữ, có thể sẽ biểu hiện bằng việc khóc nhiều hơn. Ngoài ra, nó có thể dẫn đến mất hứng thú với những sở thích hoặc hoạt động mà bạn từng thích.
2.3. Bùng nổ cơn tức giận
Mặc dù mỗi người đều có tâm trạng khác nhau vào những thời điểm khác nhau, nhưng những thay đổi tâm trạng đột ngột và mạnh mẽ, như cảm giác cực kỳ đau khổ hoặc tức giận một cách dữ dội vô cùng bất chợt có thể là một trong các dấu hiệu của sức khỏe tinh thần đang bị ảnh hưởng bởi một sự kiện nào đó.
2.4. Rối loạn giấc ngủ và dễ thức giấc vào giữa đêm
Một người đang có các biểu hiện sức khỏe tinh thần sa sút, bất ổn có thể sẽ không đạt được thời gian ngủ lý tưởng trong ngày hoặc dễ gặp các vấn đề rối loạn giấc ngủ. Dễ dàng nhận ra, họ có thể không ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày, dễ mất ngủ và dễ thức giấc giữa đêm hay bị vã mồ hôi khi đang ngủ.
2.5. Thay đổi cân nặng và thèm ăn
Ăn nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường, tăng cân hoặc giảm cân nhanh chóng có thể là dấu hiệu cảnh báo của rối loạn sức khỏe tâm thần. Tình trạng stress lâu ngày cũng sản sinh ra hormone cortisol kích thích thèm ăn mất kiểm soát
2.6. Sống khép kín, im lặng
Rút lui khỏi cuộc sống, đặc biệt khi đây là sự thay đổi lớn so với tính cách thường ngày, có thể chỉ ra một biểu hiện của sức khỏe tinh thần sa sút. Nếu một người bạn hoặc người thân yêu đang cô lập bản thân và từ chối tham gia các hoạt động xã hội, họ có thể cần được giúp đỡ nhiều hơn. Hãy trò chuyện và thể hiện sự gần gũi, đồng cảm.
2.7. Bắt đầu sử dụng chất gây nghiện và kích thích nhiều hơn
Có không ít người khi gặp các dấu hiệu của sức khỏe tinh thần như buồn bã, stress, chán nản sẽ tìm tới rượu, bia hay các chất kích thích để giải tỏa. Tuy nhiên, đây là hành vi không tốt, gây hại cho bản thân thậm chí ảnh hưởng tới xã hội.
2.8. Cảm thấy giá trị bản thân bị hạ thấp
Nếu một người thường có những suy nghĩ về bản thân là một người thất bại, không có giá trị trong xã hội thì đây có thể là biểu hiện sức khỏe tinh thần giảm sút. Nếu bạn bè hoặc người thân của bạn thường xuyên chỉ trích hoặc đổ lỗi cho bản thân về những điều không nằm trong tầm kiểm soát của họ, họ có thể cần được lắng nghe và chia sẻ.
2.9. Có ý định quyên sinh
Biểu hiện sức khỏe tinh thần về lâu dài có thể khiến nguy cơ bị trầm cảm tăng cao. Người bị trầm cảm thường có suy nghĩ tiêu cực và hay hướng tới việc từ bỏ cuộc sống (quyên sinh). Điều trị trầm cảm cần thời gian dài, sự phối hợp tốt của người bệnh và giám sát hành vi chặt chẽ từ gia đình.
3. Làm gì khi có các dấu hiệu của sức khỏe tinh thần sa sút?
Mặc dù không phải các biểu hiện sức khỏe tinh thần nào cũng phản ánh cho thấy bạn mắc các rối loạn hay bệnh lý tâm thần. Tuy vậy, nếu đang gặp phải các thay đổi tiêu cực trong cảm xúc, hay các dấu hiệu của sức khỏe tinh thần nêu trên, bạn có thể cần gặp bác sĩ tâm lý để tư vấn rõ ràng hơn, hoặc có thể áp dụng một số cách sau.
3.1. Tâm sự – chia sẻ với người thân
Khi có các biểu hiện sức khỏe tinh thần không ổn định, cách tốt nhất để bạn có thể bình tĩnh và cảm thấy nhẹ nhàng hơn đó chính là nói ra những điều khiến bạn lo lắng hay cảm thấy bất an.
Cha mẹ, anh chị hay những người lớn tuổi hơn có thể sẽ là điểm đến đáng tin cậy để bạn tâm sự và cho những lời khuyên tốt nhất. Nếu cảm thấy không ổn định về mặt tâm lý, hãy sắp xếp một cuộc hẹn với bác sĩ tâm lý để được tư vấn điều trị rõ ràng hơn.
3.2. Cân bằng cuộc sống bằng các thói quen tốt
Việc mất cân bằng trong cuộc sống như ngủ ít, thức khuya nhiều hay sử dụng caffeine, chất kích thích có thể gây ra các bất ổn về mặt hành vi hay làm sức khỏe tinh thần suy giảm. Hãy cân bằng lại giờ giấc sinh hoạt và thực hiện các thói quen tốt để cải thiện hơn về mặt tinh thần.
3.3. Làm những điều mình thích
Hãy liệt kê các thói quen mà bạn yêu thích như chạy bộ, đạp xe hoặc đi uống cà phê, xem phim để thực hiện những lúc cảm thấy chán nản. Các hoạt động giải trí vui nhộn có thể giúp tinh thần trở nên vui vẻ, sảng khoái, giảm đi sự căng thẳng.
3.4. Tránh việc ở một mình
Với những bệnh nhân trầm cảm hay người có các biểu hiện sức khỏe tinh thần tiêu cực nặng nề, cần tránh việc để họ ở một mình. Không gian kín và không có sự giao tiếp có thể khiến cho tình trạng tâm lý của họ trở nên bất ổn hơn, dễ nảy sinh các ý định có hại như quyên sinh hay làm tổn thương người khác.
Áp lực từ cuộc sống, công việc hay tình cảm cá nhân có thể khiến cho sức khỏe tâm trạng bị ảnh hưởng tiêu cực. Điều này có thể biểu hiện sức khỏe tinh thần qua cảm xúc buồn bã, chán nản và mất đi sự kết nối với mọi mối quan hệ xung quanh. Để hạn chế các hậu quả do sức khỏe tinh thần giảm sút, bạn có thể điều chỉnh lối sống bằng các thói quen tốt và tích cực, hoặc gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn điều trị cụ thể hơn.
Hiện nay, liệu pháp tái tạo năng lượng được nhiều người tin tưởng, giúp bổ sung vitamin cho toàn bộ cơ thể, chống lại sự mệt mỏi, cải thiện tinh thần, trẻ hóa não bộ và tăng cường năng lượng nhanh chóng từ cấp độ tế bào. Phương pháp này được thực hiện bằng cách truyền tĩnh mạch vi hoạt chất (bao gồm: Chất lỏng, chất điện giải, vitamin, chất chống oxy hóa và axit amin cùng dung dịch truyền độc quyền) giúp bổ sung toàn diện vitamin, axit amin và thúc đẩy glutathione để có sức khỏe cho toàn bộ cơ thể. Nhờ đó bạn sẽ nhanh chóng lấy lại năng lượng tích cực và thoát khỏi tình trạng căng thẳng, stress kéo dài.
Tài liệu tham khảo: Mayoclinic.org, Medstarhealth.org, Healthdirect.gov.au, Mayoclinic.org
Bài viết của: Trần Thanh Liêm