Làm sao để có cách bảo vệ dạ dày là chủ đề được rất nhiều người quan tâm, bởi các bệnh lý về dạ dày đang ngày càng phổ biến ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt trong cuộc sống hiện đại việc thường xuyên phải chịu những áp lực từ cuộc sống, công việc cộng thêm thói quen sử dụng đồ ăn nhanh đều gây ra những ảnh hưởng ảnh không nhỏ tới dạ dày.
1. Vì sao cần bảo vệ dạ dày?
Dạ dày đóng vai trò chính trong hệ tiêu hóa, có nhiều chức năng và tầm quan trọng đối với sức khỏe. Bảo vệ dạ dày không chỉ giúp bạn duy trì một hệ tiêu hóa khỏe mạnh mà còn hỗ trợ cho toàn bộ sức khỏe cơ thể và cải thiện chất lượng cuộc sống. Do đó, việc bảo vệ niêm mạc dạ dày rất cần thiết. Cụ thể:
- Dạ dày là nơi thức ăn được nghiền nhỏ và trộn với dịch vị chứa axit và enzyme để bắt đầu quá trình tiêu hóa. Nếu dạ dày bị tổn thương, quá trình tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến các vấn đề về hấp thụ dưỡng chất.
- Một dạ dày khỏe mạnh giúp cơ thể hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng từ thức ăn. Khi dạ dày bị viêm, loét hay trào ngược, khả năng hấp thụ dinh dưỡng sẽ giảm, gây suy dinh dưỡng và các vấn đề sức khỏe khác.
- Thực hiện các biện pháp bảo vệ dạ dày giúp ngăn ngừa các bệnh lý như viêm dạ dày, loét dạ dày, trào ngược dạ dày-thực quản. Những bệnh này không chỉ gây đau đớn mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, ung thư dạ dày.
- Một dạ dày khỏe mạnh giúp bạn ăn uống thoải mái, không bị đau bụng, khó tiêu hay ợ chua, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày.
- Các vấn đề về dạ dày thường gây ra stress và lo lắng. Ngược lại, stress cũng là một yếu tố làm trầm trọng thêm các triệu chứng dạ dày. Áp dụng các cách bảo vệ dạ dày giúp duy trì tâm lý ổn định và ngược lại.
- Dạ dày là một phần của hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn và virus từ thức ăn. Một dạ dày khỏe mạnh sẽ giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn.
Nếu không bảo vệ dạ dày, các bệnh lý dạ dày có thể tiến triển thành những biến chứng nghiêm trọng hơn như xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị hoặc thậm chí ung thư dạ dày.
2. Tham khảo các cách bảo vệ dạ dày
2.1. Một số thực phẩm giúp bảo vệ dạ dày của bạn
Chế độ dinh dưỡng này bao gồm nhiều loại thực phẩm và thảo dược đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe dạ dày. Dưới đây là một số thực phẩm giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày:
- Nước ép bắp cải được coi là một phương thuốc tự nhiên giúp chữa loét dạ dày. Bắp cải giàu vitamin C, một chất chống oxy hóa có khả năng ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng H. pylori, nguyên nhân phổ biến gây loét dạ dày. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nước ép bắp cải có hiệu quả trong việc điều trị và ngăn ngừa các loại vết loét tiêu hóa.
- Cam thảo – một loại gia vị từ Châu Á và Địa Trung Hải, có đặc tính ngăn ngừa và chống loét. Cam thảo kích thích dạ dày và ruột tiết ra nhiều chất nhầy hơn, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày và thúc đẩy quá trình chữa lành. Một số hợp chất trong cam thảo cũng ngăn chặn sự phát triển của H. pylori.
- Mật ong là một thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa sự hình thành và thúc đẩy quá trình chữa lành nhiều vết thương, bao gồm cả vết loét. Mật ong có khả năng kháng khuẩn, giúp chống lại H. pylori.
- Tỏi có đặc tính kháng khuẩn và kháng viêm, có thể giúp ngăn ngừa và chữa lành vết loét. Chiết xuất tỏi có thể tăng tốc độ phục hồi vết loét và giảm khả năng phát triển của chúng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn tỏi sống có thể giảm hoạt động của vi khuẩn trong dạ dày, nhưng cần thêm nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định.
- Nghệ chứa curcumin, một hợp chất có đặc tính chữa bệnh, giúp giảm viêm và nguy cơ mắc bệnh tim. Curcumin cũng có khả năng chống loét, đặc biệt là trong việc ngăn ngừa tổn thương do H. pylori gây ra.
- Mastic một loại nhựa từ cây Pistacia lentiscus, đã được sử dụng trong y học cổ xưa để điều trị các chứng rối loạn đường ruột. Nghiên cứu cho thấy mastic có thể hoạt động như một phương thuốc chữa loét tự nhiên, giảm triệu chứng và tăng tốc độ hồi phục. Mastic cũng có hoạt tính kháng khuẩn chống lại H. pylori.
- Có một quan niệm sai lầm rằng ớt gây loét dạ dày. Trên thực tế, capsaicin trong ớt có thể giảm sản xuất axit dạ dày và tăng cường lưu lượng máu đến niêm mạc dạ dày, giúp ngăn ngừa hoặc chữa lành vết loét. Capsaicin cũng tăng sản xuất chất nhầy, bảo vệ niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu trên con người để khẳng định.
- Nha đam có đặc tính kháng khuẩn và chữa lành da, cũng có thể là một phương thuốc bảo vệ dạ dày của bạn.
- Probiotic là các vi sinh vật sống mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả khả năng ngăn ngừa và chống loét. Probiotic kích thích sản xuất chất nhầy, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày và thúc đẩy quá trình chữa lành. Chúng cũng có thể ngăn ngừa nhiễm trùng H. pylori và nâng cao hiệu quả điều trị thông thường.
- Một chế độ ăn tập trung vào trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp bạn chữa lành vết loét dạ dày.
Ngoài ra, một trong những cách bảo vệ dạ dày là hạn chế hoặc tránh một số thực phẩm sau:
- Cà phê và đồ uống chứa caffein khác
- Đồ uống có ga
- Rượu bia
- Thuốc lá
- Sô cô la
- Thực phẩm chế biến
- Thực phẩm có lượng muối cao
- Thực phẩm chiên
- Thực phẩm có tính axit như cam quýt và cà chua
2.2. Duy trì lối sống lành mạnh
Tập thể dục đều đặn không chỉ có lợi cho sức khỏe tổng thể mà còn giúp bảo vệ và duy trì sức khỏe dạ dày. Dưới đây là cách tập thể dục giúp hỗ trợ sức khỏe dạ dày:
- Đi bộ: Đi bộ nhanh trong 30 phút mỗi ngày giúp cải thiện tiêu hóa và giảm căng thẳng. Đây là một bài tập nhẹ nhàng nhưng hiệu quả.
- Yoga: Các tư thế yoga như tư thế cánh cung, tư thế cây cầu và tư thế xoắn có thể giúp kích thích hệ tiêu hóa và giảm căng thẳng. Yoga cũng hỗ trợ cân bằng cơ thể và giảm trào ngược axit.
- Bơi lội: Bơi lội là một bài tập toàn thân tốt cho hệ tiêu hóa và giúp giảm căng thẳng. Bài tập này cũng giúp duy trì sức khỏe tim mạch.
- Đạp xe: Đạp xe không chỉ giúp cải thiện thể lực mà còn hỗ trợ tiêu hóa làm giảm triệu chứng loét dạ dày.
- Tập thể dục nhịp điệu: Các bài tập nhịp điệu như aerobic, nhảy dây hay khiêu vũ giúp cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe dạ dày.
2.3. Sử dụng thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày theo chỉ định
Một số loại thuốc thường được chỉ định để bảo vệ niêm mạc dạ dày như sau:
- Thuốc kháng axit (Antacids): Các loại thuốc này giúp trung hòa axit dạ dày, giảm triệu chứng ợ nóng, đau dạ dày và khó tiêu. Ví dụ: Maalox, Tums, Rolaids.
- Thuốc ức chế bơm proton (Proton Pump Inhibitors – PPIs): Các loại thuốc này giúp giảm sản xuất axit trong dạ dày, giảm viêm và chữa lành niêm mạc dạ dày. Ví dụ: Omeprazole (Prilosec), Esomeprazole (Nexium), Lansoprazole (Prevacid).
- Thuốc kháng histamine H2 (H2 blockers): Thuốc có tác dụng giảm sản xuất axit dạ dày nhưng theo cơ chế khác so với PPIs. Ví dụ: Ranitidine (Zantac), Famotidine (Pepcid), Cimetidine (Tagamet).
- Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Các loại thuốc này tạo một lớp màng bảo vệ trên niêm mạc dạ dày, ngăn axit và các chất kích thích tấn công niêm mạc. Ví dụ: Sucralfate (Carafate), Misoprostol (Cytotec).
- Thuốc kháng sinh (Antibiotics): Trong trường hợp dạ dày bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và giảm viêm. Ví dụ: Amoxicillin, Clarithromycin, Metronidazole.
- Thuốc chống loét (Anti-ulcer agents): Thuốc giúp chữa lành vết loét và ngăn ngừa hình thành vết loét mới. Ví dụ: Bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol).
Lưu ý: Việc sử dụng các loại thuốc này cần phải được bác sĩ chỉ định và theo dõi để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Tự ý sử dụng thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn và làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
2.4. Khám sức khỏe định kỳ là cách bảo vệ dạ dày
Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu và triệu chứng của các bệnh lý dạ dày như viêm dạ dày, loét dạ dày, và trào ngược dạ dày-thực quản. Việc phát hiện sớm giúp điều trị kịp thời, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.
Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc các bệnh lý về dạ dày, việc khám sức khỏe định kỳ giúp theo dõi tình trạng bệnh và điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần thiết. Điều này giúp duy trì sức khỏe dạ dày và ngăn ngừa biến chứng.
3. Bảo vệ dạ dày của bạn cần lưu ý gì?
Khi áp dụng các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày trên, bạn cũng cần có một số lưu ý sau:
- Tránh bỏ bữa và không ăn quá no trong một lần. Chia nhỏ bữa ăn trong ngày để giảm tải cho dạ dày.
- Nên quản lý stress như thiền, yoga hoặc tham gia các hoạt động giải trí để giảm căng thẳng và duy trì sức khỏe dạ dày.
- Sử dụng thuốc đúng cách, tránh lạm dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs). Các loại thuốc này có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, nên cần sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Không nằm ngay sau khi ăn mà bạn nên ngồi thẳng hoặc đi bộ nhẹ nhàng sau bữa ăn.
- Đối với người bị trào ngược dạ dày, nâng đầu giường cao khoảng 15-20cm để ngăn axit trào ngược lên thực quản.
- Nếu có triệu chứng bất thường, cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để bệnh trở nên nghiêm trọng.
- Ăn chậm và nhai kỹ giúp giảm gánh nặng cho dạ dày và cải thiện quá trình tiêu hóa.
- Tránh ăn ít nhất 2-3 giờ trước khi đi ngủ để giảm nguy cơ trào ngược dạ dày-thực quản.
- Thừa cân và béo phì làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm dạ dày. Nếu bạn đang bị thừa cân hãy hỏi ý kiến bác sĩ để xây dựng kế hoạch giảm cân nhằm giảm nguy cơ viêm dạ dày và các vấn đề sức khỏe liên quan.
- Một số chất bổ sung như axit béo omega-3 và men vi sinh có thể làm giảm tác động của bệnh viêm dạ dày. Tuy nhiên, cũng có nhiều chất bổ sung như sắt có thể làm tăng nguy cơ viêm dạ dày, do đó bạn không được tự ý mua chất bổ sung để uống.
Các cách bảo vệ dạ dày có thể thấy khá đơn giản và dễ áp dụng tại nhà Vì thế để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bạn có thể tham khảo và áp dụng ngay từ hôm nay.
Nguồn: healthline.com – medicalnewstoday.com
Bài viết của: Nguyễn Thị Thu Uyên