Theo quá trình lão hóa tự nhiên, người cao tuổi không thể tránh khỏi việc sức khỏe xương khớp yếu dần theo thời gian, đồng thời nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính cũng tăng nên gây cản trở trong sinh hoạt. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là vấn đề cần được đặc biệt chú trọng.
1. Vì sao cần chú trọng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi?
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là vô cùng cần thiết, bởi đây là đối tượng có nhiều nguy cơ mắc bệnh hoặc đang mắc các rối loạn mãn tính như: bệnh tim mạch, bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. Thậm chí một số người lớn tuổi còn gặp phải tình trạng suy dinh dưỡng, có vấn đề về nhận thức, chức năng hoặc xã hội. Những nguyên nhân liên quan đến bệnh tật kể trên sẽ làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người lớn tuổi một cách trầm trọng và thậm chí còn làm tăng nguy cơ tử vong.
Chính vì vậy chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại nhà là việc hết sức quan trọng, không chỉ đòi hỏi tình yêu thương và sự kiên nhẫn mà người chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn cần quan tâm đến tất cả các vấn đề liên quan đến thể chất và tinh thần. Một số đặc điểm của người cao tuổi sau đây càng chứng minh hơn nữa về việc họ cần có người chăm sóc sức khỏe ở tuổi xế chiều:
- Người già thường xuyên rơi vào trạng thái cô đơn do ít nhận được sự quan tâm từ con cháu, điều này sẽ dẫn đến trạng thái khủng hoảng tâm lý như cô đơn, rối loạn lo âu, luôn luôn hoài cổ, một số người còn phát sinh tính cách nóng nảy hay bi quan… Trầm cảm, lo âu buồn chán dần dần sẽ khiến họ trở nên thiếu nghị lực, mất niềm tin để chống chọi bệnh tật mà họ đang gặp phải.
- Người già có những thay đổi về sinh lý và thể chất, nổi bật nhất là việc cơ thể họ không còn nhanh nhẹn. Hầu hết người già không còn đi làm, nghỉ hưu ở nhà sẽ khiến họ dễ tủi thân, cảm thấy vô dụng, không được gia đình và mọi người tôn trọng. Do đó rất nhiều người già luôn trong trạng thái muốn được chú ý đến.
- Quá trình ăn uống mỗi ngày của họ cũng không ngon miệng, hệ tiêu hoá hấp thu kém đồng mắc với nhiều bệnh lý như tim mạch, hô hấp, tiêu hoá, thận… dẫn đến cơ thể bị suy yếu, giảm sức đề kháng. Vì thế khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại nhà cần chú ý chế độ dinh dưỡng cân đối và đầy đủ các nhóm chất.
2. Cách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Các hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tập trung vào việc khuyến khích lối sống lành mạnh để giúp họ không chỉ sống lâu hơn mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống. Những hành vi này khi được thực hiện một cách nhất quán có thể giúp họ sống độc lập hơn, từ đó khiến chất lượng cuộc sống dần được nâng cao.
Những hành vi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi gồm:
- Giảm thiểu sự cô lập xã hội: Sức khỏe kém và mất đi những người bạn lâu năm có thể khiến người già bị cô lập. Điều này gây ra sự cô đơn, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác. Giúp những người lớn tuổi kết nối với gia đình hoặc tìm kiếm những người bạn mới có cùng sở thích có thể giúp họ năng động và khỏe mạnh hơn.
- Khuyến khích hoạt động thể chất: Hoạt động thể chất hàng ngày làm giảm căng thẳng và giảm trầm cảm, cải thiện giấc ngủ và cải thiện sự cân bằng năng lượng trong cơ thể. Hoạt động thể chất có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề mãn tính, hoạt động này ở người cao tuổi không cần phải quá sức, họ chỉ cần đi bộ quanh khu phố hoặc hoạt động aerobic nhẹ nhàng sẽ đạt hiệu quả.
- Thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn uống đúng cách có thể giúp xương chắc khỏe và cơ bắp rắn chắc. Điều này giúp người lớn tuổi duy trì sự cân bằng và giảm nguy cơ té ngã. Khuyến khích chế độ ăn ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây, protein nạc và chất béo lành mạnh làm giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính và cải thiện khả năng miễn dịch.
- Khuyến khích kiểm tra sức khỏe định kỳ: Các cuộc hẹn khám sức khỏe định kỳ với bác sĩ có thể giúp bệnh nhân lớn tuổi theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sinh tồn và chỉ ra các vấn đề sức khỏe mãn tính. Những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ này cũng có thể giúp người cao tuổi phát hiện sớm các mối nguy hiểm tiềm ẩn trước khi chúng trở thành vấn đề lớn.
- Làm cho ngôi nhà an toàn hơn: Thực hiện các bước để giảm nguy cơ té ngã bằng các biện pháp an toàn cơ bản khác như sau:
- Tháo bỏ thảm trải sàn
- Đặt miếng chống trượt trên sàn gỗ cứng và sàn gạch
- Thêm thanh chắn an toàn trong nhà tắm, bồn tắm và lắp gần bồn cầu
- Di chuyển đồ đạc và dọn dẹp đồ đạc lộn xộn để tạo ra lối đi rộng rãi, thông thoáng
- Đặt đèn ngủ khắp nhà
3. Các điểm cần lưu ý khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Khi bạn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thường rất khó để tập trung vào nhu cầu của bản thân. Do đó việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cần thực hiện đồng thời với việc tự chăm sóc bản thân tốt, điều này sẽ giúp bạn tập trung hơn và làm tốt hơn cho người thân yêu của mình. Có một số điều bạn có thể làm để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của mình:
- Dành thời gian để ngủ: Những giấc ngủ chất lượng nên được thiết lập cố định để giúp cơ thể và tâm trí bạn được tái tạo.
- Thực hành chánh niệm: tập Yoga hoặc thái cực quyền sẽ giúp bạn thư giãn tinh thần và cơ thể.
- Đừng quên ăn: Bỏ bữa có thể khiến bạn cáu kỉnh và mệt mỏi. Vì thế bạn nên ăn nhiều thực phẩm lành mạnh và cắt giảm rượu để nâng cao sức khỏe thể chất cùng tinh thần.
Hy vọng bài viết đã hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho bạn và gia đình thật tốt. Chúc bạn luôn vui khỏe!
Nguồn: webmd.com – online.utulsa.eduhttps
Bài viết của: Đỗ Mai Thảo