Thủy ngân là 1 kim loại nặng nguy hiểm, có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc nhận biết các triệu chứng nhiễm độc thủy ngân không phải lúc nào cũng dễ dàng, bởi chúng thường xuất hiện muộn và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vậy nhiễm độc thuỷ ngân bao lâu thì có triệu chứng và chúng ta cần làm gì khi gặp phải tình trạng này?
1. Các triệu chứng khi bị nhiễm độc thủy ngân là gì?
Thủy ngân là chất tồn tại tự nhiên và là kim loại duy nhất ở dạng lỏng ở nhiệt độ phòng. Nó được tìm thấy ở dạng hữu cơ và vô cơ. Dạng vô cơ có thể được phân chia thành thủy ngân nguyên tố và muối thủy ngân. Tiếp xúc với thủy ngân ở mức độ cao có thể dẫn đến tổn thương hệ thần kinh và thận vĩnh viễn.
Thủy ngân nguyên tố | Thủy ngân vô cơ | Thủy ngân hữu cơ | |
Xuất hiện ở |
|
|
|
Mức độ gây độc | Gây bệnh nếu hít phải, ăn phải hoặc dính trên da trong thời gian dài.
Gây ra vấn đề trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ, không phải ngay lập tức. |
Gây độc khi nuốt phải, nếu lẫn vào máu có thể tấn công thận và não. Tổn thương thận vĩnh viễn và suy thận có thể xảy ra. | Phụ nữ mang thai cần đặc biệt lưu ý tránh tiếp xúc với methylmercury, một dạng thủy ngân hữu cơ, vì nó có thể gây tổn thương não vĩnh viễn cho thai nhi. Để đảm bảo an toàn, nên hạn chế tiêu thụ các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao như cá kiếm và cá thu vua trong thai kỳ, cũng như hạn chế cho trẻ nhỏ ăn những loại cá này. |
Thủy ngân ở bất kỳ dạng nào cũng đều độc hại. Tuy nhiên, có sự khác biệt về cách hấp thụ, các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng cũng như đáp ứng với các phương thức điều trị. Hiện tượng bị nhiễm độc thủy ngân có thể do hít phải hơi, nuốt phải, tiêm hoặc hấp thụ qua da.
Hít phải đủ thủy ngân nguyên tố sẽ gây ra các triệu chứng cấp tính ngay lập tức. Các triệu chứng dài hạn (mãn tính) sẽ xảy ra nếu một lượng nhỏ được hít vào từ từ theo thời gian. Các triệu chứng mãn tính có thể bao gồm:
- Vị kim loại trong miệng
- Rát ở dạ dày và cổ họng
- Tiêu chảy ra máu và nôn mửa
- Khó thở
- Ho dữ dội
- Sưng, chảy máu nướu
Tiếp xúc lâu dài có thể sẽ gây ra các triệu chứng ở hệ thần kinh, bao gồm:
- Tê hoặc đau ở một số bộ phận trên da
- Run rẩy không kiểm soát được
- Gặp khó khăn trong vấn đề đi lại
- Mù và song thị
- Các vấn đề về trí nhớ
- Co giật và tử vong (với lượng phơi nhiễm lớn)
2. Cơ thể bị nhiễm độc thủy ngân bao lâu thì có triệu chứng?
Các triệu chứng khi bị nhiễm độc thủy ngân không diễn ra cố định, có thể dao động từ vài giờ đến vài năm, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Loại thủy ngân: Methylmercury thường có thời gian ủ bệnh lâu hơn so với thủy ngân nguyên tố và thủy ngân vô cơ.
- Mức độ phơi nhiễm: Phơi nhiễm liều cao thường gây ra triệu chứng nhanh hơn so với liều thấp.
- Đường tiếp xúc: Hít phải hơi thủy ngân thường gây triệu chứng nhanh hơn so với ăn phải hoặc tiếp xúc qua da.
- Sức khỏe cá nhân: Trẻ em, phụ nữ mang thai và người có hệ miễn dịch yếu thường nhạy cảm hơn với thủy ngân và có thể xuất hiện triệu chứng sớm hơn.
3. Khi đã có các triệu chứng, có phải là đã trễ để điều trị không?
Khi các triệu chứng nhiễm độc đã xuất hiện thì không có nghĩa là đã quá muộn để điều trị. Ngược lại việc can thiệp y tế sớm có thể ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm và tăng khả năng phục hồi hoàn toàn. Do đó ngay khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ nhiễm độc, bạn nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
4. Phải làm gì khi có các triệu chứng khi bị nhiễm độc thủy ngân?
Trên đường đến cấp cứu hãy chuẩn bị sẵn thông tin sau:
- Độ tuổi, cân nặng và tình trạng của người bị ngộ độc (ví dụ: có tỉnh táo và đủ nhận thức không?)
- Nguồn gốc của thủy ngân
- Thời gian nuốt, hít hoặc chạm vào
- Lượng nuốt, hít hoặc chạm vào
Không trì hoãn việc gọi trợ giúp nếu bạn không biết thông tin trên.
Khi đến phòng cấp cứu, người bệnh sẽ được kiểm tra sức khỏe tổng quát, bao gồm đo và theo dõi các chỉ số quan trọng như nhiệt độ, mạch, nhịp thở và huyết áp. Để đánh giá mức độ phơi nhiễm và ảnh hưởng của thủy ngân, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu và nước tiểu
- Chụp X-quang ngực
- Điện tâm đồ (ECG)
Việc điều trị nhiễm độc thuỷ ngân có thể bao gồm:
- Than hoạt tính bằng đường uống hoặc dùng ống thông qua mũi vào dạ dày, nếu nuốt phải thủy ngân (trong một số trường hợp nhất định)
- Thẩm tách máu (máy lọc thận)
- Truyền dịch qua đường tĩnh mạch (IV)
- Thuốc để điều trị các triệu chứng
Ngoài ra, loại phơi nhiễm sẽ quyết định những xét nghiệm và phương pháp điều trị khác cần thiết:
Đối với thuỷ ngân nguyên tố:
Ngộ độc thủy ngân nguyên tố do hít phải có thể khó điều trị. Người bệnh có thể được điều trị bằng các biện pháp sau:
- Oxy hoặc không khí ẩm
- Hỗ trợ hô hấp, bao gồm cung cấp oxy, đặt ống qua miệng vào phổi, sử dụng máy thở
- Hút thủy ngân ra khỏi phổi
- Thuốc để loại bỏ thủy ngân và kim loại nặng ra khỏi cơ thể
- Phẫu thuật loại bỏ thủy ngân nếu bị tiêm dưới da
Đối với thuỷ ngân vô cơ:
Đối với ngộ độc thủy ngân vô cơ, việc điều trị thường bắt đầu bằng chăm sóc hỗ trợ. Người bệnh có thể được:
- Truyền dịch qua đường tĩnh mạch (IV)
- Sử dụng thuốc để điều trị các triệu chứng
- Sử dụng than hoạt tính để hấp thụ thuỷ ngân từ dạ dày
- Sử dụng các loại thuốc gọi là chất tạo phức để loại bỏ thủy ngân ra khỏi máu
Đối với thuỷ ngân hữu cơ:
Điều trị phơi nhiễm thủy ngân hữu cơ thường bao gồm các loại thuốc gọi là chất tạo phức. Các chất này loại bỏ thủy ngân khỏi máu và đưa nó ra khỏi não và thận. Thông thường, các loại thuốc này sẽ phải được sử dụng trong nhiều tuần đến nhiều tháng.
Nhiễm độc thủy ngân là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng có thể được kiểm soát và điều trị nếu phát hiện sớm. Hãy chú ý đến các triệu chứng bất thường và tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay khi cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.
Nguồn: hhs.iowa.gov – mountsinai.org – my.clevelandclinic.org – betterhealth.vic.gov.au
Bài viết của: Hồ Thị Giáng My